Luật phí và lệ phí
Luật phí và lệ phí được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 gồm 6 chương 25 điều quy định về nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức trong quản lý phí, lệ phí.
Các quy định của Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.
Điểm thay đổi đầu tiên của Luật Phí và lệ phí so với pháp lệnh Phí và lệ phí là việc xác định như thế nào là Phí chịu sự điều chỉnh của Luật.
Theo đó, phí được điều chỉnh bởi luật này chỉ giới hạn đối với phí của các loại dịch vụ công được cung cấp bởi cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công.
Kèm theo đó là bảng phụ lục hơn 200 loại phí bị điều chỉnh bởi luật này.
Về các đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí Luật này quy định bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Các đối tượng được miễn, giảm án phí và lệ phí tòa án sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể.
Cũng theo quy định của Luật Phí và Lệ phí này thì tổ chức thu phí, lệ phí có trách nhiệm Niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên Trang thông tin điện tử của tổ chức thu phí, lệ phí về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và văn bản quy định thu phí, lệ phí.
Các tổ chức này cũng phải lập và cấp chứng từ thu cho người nộp phí, lệ phí theo quy định.
Luật Phí và lệ phí 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Đối với các khoản phí trong Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí sẽ được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá theo Danh mục tại Phụ lục số 2 kèm theo Luật này.